Trang nhất
  Xã Luận
  Đọc Báo Trong Nước
  Truyện Ngắn
  Kinh Tế
  Âm vang sử Việt
  Tin Thể Thao
  Y Học
  Tâm lý - Xã hội
  Công Nghệ
  Ẩm Thực

    Diễn Đàn Biển Đông
Bắc Kinh yêu cầu Manila ngừng khiêu khích ở Biển Đông
    Hình Ảnh Quê Nhà - Video Clip
Nồng ấm Tết cổ truyền dân tộc Khmer Chôl Chnăm Thmây
    Tin Thế Giới
Ấn Độ, Israel tiến hành diễn tập an ninh chung
    Tin Việt Nam
Lãnh đạo Việt Nam gửi điện thăm hỏi Campuchia sau vụ nổ kho đạn
    Tin Cộng Đồng
Nắng nóng kỷ lục tại nhiều bang của Ấn Độ
    Tin Hoa Kỳ
Mật vụ Mỹ lên kế hoạch bảo vệ trong trường hợp ông Trump bị giam giữ
    Văn Nghệ
Huế
    Điện Ảnh
Lý Hải trở thành đạo diễn nghìn tỷ đồng
    Âm Nhạc
Danh tính nữ ca sĩ Việt may mắn gặp Rosé (Blackpink), lại còn chiêu đãi fan ảnh cam thường
    Văn Học
Bắt học sinh đi học ngày nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương, hiệu trưởng bị xem xét kỷ luật

Thông Tin Tòa Soạn

Tổng biên tập:
Tiến Sĩ
Nguyễn Hữu Hoạt
Phụ Tá Tổng Biên Tập
Tiến Sĩ
Nhật Khánh Thy Nguyễn
Tổng Thư ký:
Quách Y Lành




   Truyện Ngắn
Dòng Nước Lũ
... Bàn tay chàng vuột khỏi bàn tay tôi, chưa chịu bước đi Vượng còn nói:
- Nhớ uống thuớc bổ vào, nay mai anh sẽ gởi về thêm... Nhìn Vượng bước qua khỏi nơi cánh cửa phi trường, tôi mới bàng hoàng sững sờ nhìn lại nơi chỗ chàng vừa đứng bên cạnh tôi. Vượng đi rồi...thế là hết. Tôi ôm mặt khóc ngất... rồi chợt tỉnh giấc.

 


 


 


Trong đêm tối, nhớ lại giấc mơ vừa trải qua, tôi mỉm cười một mình! Vượng vẫn còn đó, cách nhà tôi một dãy hàng rào chè tàu, lắm giây tơ hồng nằm vướng đầy ngổn ngang. Giật mình nghĩ lại, chỉ là giấc mơ thôi. Có lẽ cả ngày nghe Vượng nói toàn chuyện ra đi, nên trong lòng tôi giờ đã nhập tâm, như lời mạ vẫn thường nói.




Cánh tay tôi thả mạnh xuống bìa gường, tôi vội co rút bàn tay lại. Tôi thò tay xuống lần nữa, tay tôi ướt lạnh. Không ngờ vực gì nữa, tôi giật mình ngồi hẳn dậy. Nước...toàn là nước. Không lẽ tôi đang nằm mơ. Tôi lắc đầu quầy quậy. Không lẽ lụt đến nơi rồi hay sao. Tôi run sợ, nằm trở lại lặng yên một hồi không dám nhúc nhích. Chợt nhớ lại đêm qua thức đến khuya mới leo lên giường, ngủ chưa được mấy tiếng, nước đã lên cao gần chiếc giường tôi nằm. Tối qua, mưa như cầm chỉnh đổ. Mạ nói:



- Không chừng lụt con ơi!



Tôi nói cho mạ yên tâm:



- Mưa mấy hồi cũng như rứa, mạ cứ nghĩ toàn chuyện mô mô.



Nói có vẻ chắc chuyện, chứ lúc tôi nhìn ra đường, lòng tôi hồi hộp lo âu không cùng. Mưa tháng chín, từng cơn mưa luôn hồi không dứt. Để mạ yên tâm hơn, tôi vội vàng ra sân sau lấy mấy miếng giấy ny lon che mấy ổ gà vừa đẻ lượt trứng đầu tiên. Mạ tính ra giêng nuôi kha khá lớn, o Nhung đem ra chợ bán kiếm ít tiền kịp giỗ ba.



Ầm...ầm...Tiếng sấm sét nỗi dậy. Tia sáng xoé vào khung cửa sổ. Tôi sợ hãi. Nước lóng lánh tràn ngập trong nhà. Nhón tay với lấy cây đèn dầu thắp hiu hiu trên kệ đặt ở đầu giường, vặn tim đèn khá cao, mắt tôi trợn trừng. Mực nước cao lên tới đầu gối. Vén tấm màng che ngang giữa hai chiếc giường của tôi với mạ. Tôi la thét lên:



- Mạ ơi! Lụt...



Mạ đang ngủ nghe tôi kêu lên thảng thốt, bà vụt tỉnh. Mạ trờ dậy, túm lấy mái tóc xỏa dài trên lưng bối lia lịa, la lên như tôi:



- Chết rồi con ơi! Mới ngủ mấy tiếng, nước lụt cao tới đầu gối rồi. Bà vừa la, vừa run lẩy bẩy:



- Không chừng lần ni lụt lớn giống như năm 53.



Rồi mạ cằn nhằn:



- Tối hôm qua mạ nói, con la chừng chửng không chịu tin, để chừ mặt nước cao như ri, làm răng trở tay.



- O Dung mô rồi?



Mạ nói không nghỉ. Mạ nhích qua nhích lại trên giường. Lúng túng vụng về.



- Chắc o còn ngủ.



- Nước non như ri, ngủ chi mà ngủ. Con thức o dậy, ra ngoài sân ôm mấy ổ gà vô cho mạ.



Mạ vừa nói, vừa lội chân xuống nước. Trước mặt, bốn chiếc ghế đẩu trôi nằm lềnh bềnh giơ cẳng giơ chân lên trời. Giấy tờ trong tủ nhỏ nổi bềnh bồng trên mặt nước trắng xoá một góc. Vừa lúc o Nhung trở dậy. Dường như o không mấy sợ như mạ, o vừa búi tóc vừa lầm bầm:



- Lụt lội chi ở Huế như chơi trò cút bắt. Mới có nhắm mắt ngủ có mấy tiếng đồng hồ nước tràn vô trong nhà như nước trên sông. Tui ngán lụt lội nhứt.



Giọng nói của o nghe như người nhìn thấy nước lụt hàng ngày, không làm o sợ hãi, không làm cho o lo chạy lụt.



Mạ nhìn o lắc đầu:



- Con thử mớ cửa nhìn ra ngoài coi thử hàng xóm mình ra răng rồi con. Có ai chuẩn bị tránh lụt chưa.



Nghe mạ nói, tôi mới hoàn hồn. Lật đật trờ dậy lội tới cánh cửa. Nước xoáy vào, đưa người tôi nghiêng về một bên, một lúc sau tôi mới đẩy cánh cửa ra được. Bên kia sân, Vượng đang ngồi trên chiếc ghe nhỏ. Bên cạnh, bác Nghi mạ Vượng ngồi co ro run rẩy trong chiếc áo tơi kết bằng lá. Tôi cố nhướng người kêu Vượng:



- Anh Vượng ơi! Anh chở bác đi mô rứa?



Vượng nhìn thấy tôi, chàng ngoắc lia lịa:



- Anh định chèo ghe qua em, nhưng thôi. Em vô dọn thêm áo quần, gạo, thức ăn. Anh đưa mạ lên trên bác Biển xong trở lại đón bác với em đi cho kịp. Trên đó nhà lầu ba tầng cao ráo, có lẽ chắc ăn hơn dưới nầy. Nước lụt như vầy không thể ở lại được đâu. Nhớ, anh sẽ trở lại.



Nhìn bóng Vượng với chiếc ghe nhỏ xa tít, tôi mới lội trở vào, thúc mạ:



- Mạ, gom góp áo quần, mấy bao gạo nhỏ trên bếp mình đi mạ ơi. Con nghĩ, cứ lần dần nơi chỗ ni, nước sẽ lút tới đầu trong chốc lát.



Mạ run rẩy, lượm mấy thứ cần thiết, khóc thút thít:



- Mạ nhớ mấy chục năm trước nước lụt còn có ba, không lo cho lắm. Chừ trong nhà không có đàn ông, chuyện chi xảy ra mạ cũng sợ cả. Không biết thằng Vượng nói trở lại, hắn có trở lại không, hay lên trên phố rồi kẹt luôn trên nớ thì khổ lắm.



Tôi cũng lo trong lòng như mạ đang nghĩ, nhưng vẫn còn chút hy vọng trong đầu. Những lần hoạn nạn trước đây, Vượng đã không bỏ tôi. Nay Vượng đã nói trở lại, tôi tin tưởng lời Vượng. Nhưng tôi vẫn đứng yên trong nước chăm chú nhìn ra ngoài ngỏ.



  O Nhung lội nước, mắt nhìn tôi trong khuôn mặt tái nhợt. Miệng o lầm bầm không chịu dứt:     



- Mi sống ở Huế mấy chục năm rồi, mới thấy nước lụt đã chảy nước đái trên mặt. Con gái con gung chi như mi thấy đã đời. Lúc nhỏ, tao dẫn mi đi học, qua mấy ổ nước đọng, mi lội tỏm vô không tha, nay mới có chút nước trong nhà chưa chi đã sợ. Mạ mi không có con trai nên mụ sợ cũng phải, lỡ có chuyện chi con gái không biết xoay trở, đành chịu bó tay.



Nghe o Nhung léo nhéo bên tai, tự ái tôi nổi dậy. Tôi nói:



- Mạ để con lội ra ngoài đem mấy ổ gà vô.



Mạ khoát tay, cản:



- Thôi con ơi, lo thân mình cái đã. Gà vịt chi giờ ni. Lội ra ngoài mạ lo. Tính o con như rứa rồi, hơi mô nói đi nói lại mất công.



O Nhung cười, nụ cười lạt lẽo trên môi:



- Chút nữa, thằng Vượng về chở. Chị với con Tịnh đi đi, để tui ở lại coi nhà.



Mạ trừng o:



- Tới nước ni, nhà cửa cứ để đó lo cho mình trước đã. O cứ ôm ôm nhà cửa, chết đến nơi không hay.



- Tui như viên đạn đồng, cứng ngắt cứng ngơ, chết răng được mà chết. Chị lo toàn chuyện "voi chết không hòm". Nội tên của tui không thôi, cha mạ tui đặt tên, nhưng mấy người không rượu không xôi, cứ đổi tên tui miết. Dưới âm phủ không ghi tên tui vô sổ bộ đoạn trường, biết tên chi cho đúng mà kêu. Chừ thành chì thành lầy rồi. Chết khó chớ mô có dễ.



Mạ nói không được, lắc đầu nhìn tôi. O Nhung sống cảnh gái già nên đâm khó tính. Mạ vẫn thường nói. Tôi không trách o, nhưng tính o gàn gàn bướng bướng, đôi lúc phát điên lên được. Thật ra o tên Nhung, không hiểu tiếng Huế dản dị như thế nào, cách phát âm không được rõ, để mạ với bà con bên ba không nhưn chẳng nhị gì, cứ đè ra kêu tên Dung, lâu ngày o bị đổi tên. Lúc nào vui vẻ o không thèm nói chẳng rằng, nhưng lúc o nổi tính quạo lên, o trách mạ:



-  Tui ở với chị gần mục răng cấm răng nanh, chị cứ kêu tên tui Dung... Dung nghe thiệt lạ hoắc lạ hơ. Cha mạ tui nghĩ nát đầu để đặt tên con, nhưng mấy người đổi tên tui nghe cái rụp, không phanh không thắng chi hết.



Mạ thấy O Nhung đứng đờ đẫn, mạ ngắt nhỏ:



- Thôi o, mình sửa soạn thằng Vượng về đi cho kịp.



- Tui nói rồi. Chị với con Tịnh cứ đi theo thằng Vượng đi. Nhà cửa có tui lo, mai mốt nước rút về nhà đã có tui chăm sóc. Chơ bỏ nhà đi hết, ai vô ai ra không biết.



Mạ cười héo úa:



- Nước lụt cỡ ni, còn ai cam tâm đi lục lọi. O nghe chị đi luôn một lượt. Chơ để o ở lại, chị đi không an tâm. Chết sống có nhau. Mấy lần mấy lượt trước ni không răng cả, lỡ có chuyện chi, chị ăn nói ra răng với bà con.



- Chị chỉ lo mấy chuyện bao đồng. Tui sống với chị cả mấy chục năm chưa ra răng, tui trơ trơ như tượng đồng. Lần ni nước lụt có chi mà sợ chị. Lụt rồi ráo, chứ có ứ động hoài trong nhà mô mà sợ.



O nhìn lên bàn thờ xây bằng xi măng, o nói:



- Nước lụt tới mô, tui lên tới đó. Có cao chi nữa cũng chỉ tới ngang hông bàn thờ. Mạ con chị đừng lo cho tui. Cứ theo thằng Vượng ở trên nớ vài ngày, chờ nước rút xong hãy về. Mấy ổ gà non, tui đi không đành lòng.



Biết nói chăng nữa o cũng không nghe lời, mạ lắc đầu nhìn tôi. Ngoài kia, tiếng người gọi nhau ơi ới, khiến cho tôi nôn nóng nhìn ra đường mãi, không biết Vượng đang ở đâu. Bác Diễn ngoài xóm đang ngồi trên chiếc ghe, nhìn vào nhà tôi nói như hét:



- Tịnh ơi! Mạ có định đi mô chưa con?



Tôi thò đầu nhìn bác:



- Dạ thưa bác, con đang chờ anh Vượng về đón.



- Ừ, thôi ráng đi cho lanh nghe con. Bác trai nghe trên đài nói, mức nước lụt lên lẹ lắm. Ráng lanh lanh nghe con.



Một lúc có tiếng gọi ơi ới của Vượng bên ngoài, tôi mừng như người bắt được vàng, lội bì bỏm ra cửa. Vượng cố gắng chèo chống chiếc ghe nhỏ sát cửa, miệng nói lớn:



- Coi đi cho gấp Tịnh ơi! Nhà cửa trên phố gần như lút tới cửa sổ rồi. Rạp xi nê Trần Hưng Đạo đã đóng cửa, không cho ai vô ra nữa, đầy nghẹt cả người.



Mạ lội ra kéo ghe Vượng ghì lại :



- Răng rồi con? Bác thấy xóm mình gần như nước che hết rồi con ơi. Thiệt khổ, Trời làm mưa lụt trở tay không kịp con ơi.



Vượng đưa tay đỡ những bao gạo nhỏ trên tay tôi, gói áo quần chỉ một chút nữa đã rơi tỏm xuống nước. Mưa vẫn không tha, cơn mưa lớn như phong ba bão táp bay tới tấp xỏa vào mặt. Vượng nhảy xuống nước đỡ mạ lên ghe, chiếc áo mưa tôi khoát lên cho mạ không thấm đủ vào đâu cảû. Mạ lấy hai tay vắt ống quần lảnh, run cầm cập. Chiếc ghe chềnh chòng như muốn lật úp lại. Chờ cho tôi leo lên xong xuôi, Vượng quay đầu nhìn quanh:



- O Nhung đâu rồi em? Sao không thấy.



Nhớ lại lời o nói, tôi nhảy vội xuống nước, réo tên o:



- O Nhung ơi! Đi với con o ơi.



Tiếng o Nhung nghe xa lắc:   



- Mi cứ theo thằng Vượng đưa mạ mi lên trên bà Biển đi. Tau ở đây vài ba bữa, chờ nước lụt cạn chơ khôn đi mô.



Vượng la lên:



- O không biết mực nước dâng lên nhanh lắm. Bà con lên trú lụt trên phố hết, không có ai ở lại cả, o nên đi với bác và em Tịnh cho yên việc.



Mạ lắc đầu nhìn tôi. Không chần chờ, tôi lội vô nhà kéo tay o lội ì ạch trong giòng nước:



- O Nhung đi với con. Để o ở lại con không đành. Nhà cửa còn đó, không ai rờ ai đụng mô o.



- Tau nói, tau không đi. Đừng lè kè mất công. Mi biết tính tau rồi. Lời nói của tau như đinh đóng cột. Cứ đi, mai mốt về tau làm gà làm vịt cho ăn.



Biết năn nỉ chăng nữa, o cũng không chịu đi, tôi nói như khóc:



- O không đi, con lo cho o lắm.



O Nhung quay vội vào nhà, xua tay:



- Nước có lụt cũng không lên tới lưng bàn thờ. Tau biết mà. Mấy năm trước lụt có cao chi nữa cũng tới lưng chừng mấy tầng cấp ni thôi. Nếu có cao tao lên trên nớ ngồi. Mạ con mi cứ yên tâm mà đi.



Vượng thúc:



- Thôi o không chịu đi, em lên ghe anh chở lên phố cho kịp. Mực nước mỗi lúc mỗi dâng lên cao và nhanh hơn anh sợ không khéo...



Mạ la trấn áp lời Vượng:



- Thôi nghe lời anh Vượng đi con. Chừ có nói o cũng một lời không đi, mạ con mình chịu thôi.



Từ giả o Nhung trong hai giòng nước mắt vây quanh, ngồi trên chiếc ghe nhỏ tôi bâng khuâng nhớ tới ngày hai o cháu bên nhau. Sao o không chịu đi với tôi cho yên chuyện. O cứng đầu, o ương ngạnh từ thuở nhỏ đến lớn, lời mạ nói. Nhưng o Nhung thương tôi và săn sóc tôi hơn ai hết. Nghĩ đến o, tôi càng thương o hơn. Không biết o lớn lên có thương yêu ai không, nhưng lúc nào o cũng yên lặng suy nghĩ. Bất cứ vật gì của o, không ai sờ mó tới được. Đặt biệt hơn nữa, dường như o có điều thầm kín riêng tư. Mỗi đêm, trước khi đi ngủ o Nhung đều thức thật khuya viết nhật ký. Tôi lớn lên bên cạnh o, nhưng không hề thấy một chữ, hoặc một câu nào o để cho thấy. Lúc nào cũng bí mật, kín đáo tôi không hiểu nỗi. O cau có, đến nỗi không ai nói, o đã bảo:



- Tau là mụ o nhọn mồm. Biết thân biết phận đừng đụng tới tau.



Mạ biết tính o, không hề đụng đậy, hay quở trách. Mạ dặn làm chi cũng được, nhưng đừng đụng tới vật riêng tư của o. Có lẽ vậy, nên o ở với mạ từ ngày mạ về với ba tôi tới giờ không chịu bỏ đi, không chịu xa mạ một bữa.



Mạ tôi khóc thút thít, chụp lấy tay tôi:



- Để o ở lại, mạ không đành lòng. Hay Vượng chở cho bác về lại, rồi con theo chân anh lên bác Biển trú lụt vài hôm hãy về.



Tôi cũng khóc:



- Nếu mạ về, con về luôn với mạ.



Vượng an ủi mạ:



- Thôi bác, o Nhung không chịu đi đành chịu vậy. Bác với Tịnh về, con nghĩ lỡ có chuyện gì xảy ra, không ai cứu. Chút nữa con đưa bác với Tịnh lên trên đó xong, con sẽ gắng trở về chở o Nhung lên. Con hy vọng o sẽ đổi ý.



Nghe Vượng nói, mạ mới yên tâm. Ngay cả tôi cũng yên lòng hơn. Tôi nhìn Vượng cười bằng đôi mắt cám ơn. Chàng nhìn tôi nheo mắt. Nhớ lại giấc mơ đêm qua, tôi còn chút buâng khâng trong lòng. May Vượng vẫn còn ở bên tôi. Dư vị của cuộc đời vẫn chưa đến nỗi phai lạt. Tôi nhìn dáng Vượng ngồi chèo chống với giòng nước, tự nhiên tôi thương Vượng hơn bao giờ cả.



Ngồi trên ghe, nhìn mặt nước hung hăng đục ngầu, cuồn cuộn chảy như thác đổ. Mưa gió hòa cùng nước gào thét. Giòng nước lũ dữ dằn như muốn nuốt trọn cả thành phố Huế ra khơi. Chiếc ghe lại chòng chềnh. Tôi cố nhắm mắt để quên đi trong chốc lát.



Ngôi nhà lầu ba tầng của bác Biển dần dần biến thành hai tầng, chứ không còn nguyên vẹn như trước. Ngày đầu mạ tới, bác vui vẻ:



- Chị và cháu Tịnh ở lại đây, hồi mô nước rút cạn hết mới về.



Buổi trưa mấy gia đình còn nấu ăn trên bếp tầng lầu dưới, đến chiều mực nước dâng lên quá cao mọi người phải dọn dần lên tầng thứ hai. Vượng lo chở gạo lên xong, lấy chiếc ghe chèo về đón o Nhung, nhưng chung quanh giòng nước lũ đã chôn lấp những nóc nhà không còn thấy được chỗ nào là bờ, chỗ nào sông. Trừ nhà bác Biển, tầng thứ hai đã lấp xấp nước xỏa ngang mấy bực cầu thang.



Vượng đi một lúc, trở về. Khuôn mặt chàng trắng phếu. Vượng nói trong hơi thở dồn dập:



- Bác ơi! Con chèo ghe qua khúc đường lúc sáng mình đi, nhìn đâu đâu cũng toàn nước với nước. Nước chảy cuồn cuộn, muốn cuốn luôn ghe với người, không cách nào chèo về xóm mình.



Mạ chớp mắt thở dài:



- O không chịu theo, chừ không biết o ra răng nữa.



  Đang gò mình cúi đầu thổi lửa trong bếp, không hiểu khói trong mấy cây củi ướt hay đang nghĩ tới o Nhung, nước mắt tôi chang hòa, nhòe nhoẹt trên mặt.



Bác Biển an ủi:



- O Nhung bơi giỏi. Nhà của chị cao nhất trong xóm chắc không răng mô.



Mạ tôi thút thít:



- Nhà cửa ở đây cao hơn, nhưng chừ nước đã lấp hết nóc nhà. Thấm tháp chi ngôi nhà của tui chị ơi.



Vượng đứng buồn rầu bên tôi, chàng đưa tay bóp chặt bàn tay tôi:



- Thôi, mình chỉ cầu xin ngày mai nước rút, hy vọng o không sao.



Nhưng ngày mai, không còn hy vọng như lời Vượng nói. Mực nước càng dâng cao hơn. Buổi trưa Vượng chèo ghe sát hai bên đường nghe ngóng. Lúc trở về, mặt chàng tái nhợt. Vượng kéo tay tôi kề miệng sát tai tôi, Vượng thì thầm:



- Đừng để bác nghe. Anh chèo ghe trong chốc lát, xác người ta trôi đầy ngoài sông. Anh sợ quá không dám đi thêm nữa. Đài BBC, bên bác Phố bắt được tin tức cho hay không phải chỉ có lụt ở Huế, ngay cả Quảng Nam cũng bị lụt nặng.



- Không hiểu o Nhung có răng không hả anh?



Nói xong tôi nghẹn ngào bật khóc. Ngồi sát bên tôi, Vượng cúi đầu lặng thinh không nói.



Suốt mấy ngày, tôi nằm vùi trong mền không dám trở dậy nhìn ra ngoài. Nhớ những cơn mưa ngày nao lã chã, quyến rũ làm cho tôi mê mệt và mơ mộng khi nhìn những giọt mưa rơi, nhưng hôm nay nhìn mưa lòng tôi đâm oán ghét cơn mưa lì lợm, dai dẵng kia. Tôi có cảm tưởng mình đang lềnh bềnh trôi trên mặt nước, không thấy bờ thấy bến. Tôi cảm thấy xoàng mặt. Giòng nước lũ kéo cả trí não tôi lôi đi, tôi không còn đứng vững để nhìn quanh mình.

 



                                                                        *



Nước lụt nấn ná đến cả tuần lễ, mới chịu rút lui. Không như mọi người tưởng, chỉ một hai ngày.



Nước cạn dần, nhưng lớp bùn dày đến đầu gối, bước chân đi càng khó khăn hơn. Tôi trốn mạ bảo ra ngoài phố xem xét tình hình, coi ai còn ai mất. Mạ cũng đuối mình không còn cất mặt nỗi, mạ thở dài ngao ngán.



Tôi vát cuốc theo Vượng. Chàng bảo chỉ cào bớt lớp bún bám nhão nhẹt trên mặt đường, mới có thể bước đi. Tôi ì à ì ạch, cầm cuốc cào từng miếng một. Chỉ trong phút chốc, tôi đã mệt nhoài. Vượng khoẻ mạnh hơn, vừa cào bùn vừa hất những vật chắn trên đường đi. Những nóc nhà ngoi dần trong lớp bùn non, tiếng người hò hét, tiếng khóc than làm cho tôi ngột thở. Bên kia đống bùn, người đàn ông đang cào xới bỗng hét lớn, ông vất cuốc xuống đất, lấy hai xới lớp bùn. Xác người đàn bà, cùng xác người đàn ông và hai đứa bé được cột chặt với nhau quanh một cột gỗ. Vượng đẩy tôi ra xa không cho tôi nhìn thấy cảnh chết tang thương đó, nhưng đã muộn. Tôi không dám nhìn thêm lần nào nữa, quay mặt đi cả người tôi chúi xuống bên cạnh Vượng. Tiếng khóc của những người chung quanh, hình như cả tiếng khóc thê thảm của người đàn ông, cả tôi và Vượng.


Nhân viên của thành phố cũng đang dần đến. Tiếng cuốc xẻng quơ bùn. Đường lầy lội trơn trợt khó đi. Tôi muốn ngất đi. Xác chết mỗi lúc mỗi nhiều hơn. Xác của những gia đình sợ giòng nước lũ cuốn trôi xa từng người, nên họ đã cột chặt vào nhau để chết chung một lượt. Nhìn cảnh thảm thương của những đã người chết, tôi không ngăn được nỗi đau lòng, nước mắt tôi dầm dề, vừa đi vừa nức nở. Thoáng nghĩ tới o Nhung, cả người tôi run rẩy như người lên cơn sốt. Vượng khuyên tôi đi về, để chàng giúp mọi người vét bùn, nhưng tôi nôn nóng muốn dọn đường nhanh hơn để về nhà tìm o. Tôi lầm thầm khấn nguyện trong nước mắt.


 

DanQuyen.com
    Phản Hồi Của Độc Giả Về Bài Viết
Họ và Tên
Địa chỉ
Email
Tiêu đề
Nội dung
Gửi cho bạn bè Phản hồi

Các bài viết mới:
    Xa Xóm Mũi (31-03-2024)
    X - Năm Một Ngàn Chín Trăm Năm Xưa (31-03-2024)
    Vị Của Lời Câm (31-03-2024)
    Neo Lại Bóng Mình (18-02-2024)
    Bóng Của Thành Phố (18-02-2024)
    Chuyện Cục Kẹo (24-01-2024)
    Con Trai Và Má (24-01-2024)
    Củi Mục Trôi Về (24-01-2024)
    Bùa Yêu Và Con Nhỏ Thất Tình... (24-01-2024)
    Biết Sống (07-01-2024)
    Biển Của Mỗi Người (07-01-2024)
    Ấu Thơ Tươi Đẹp (07-01-2024)
    Áo Rách Và Nắm Bụi (07-01-2024)
    Ai Biểu Xấu (30-11-2023)
    Áo Tết (30-11-2023)
    Bên Sông (01-10-2023)
    Bóng Của Thành Phố (01-10-2023)
    Ăn cơm một mình (01-10-2023)
    Từ bi ươm sức sống (01-10-2023)
    Nhà mưa (24-08-2023)

Các bài viết cũ:
    Con dốc đầu đời (25-08-2015)
    Lối nắng (21-08-2015)
    Màu mắt lạ (13-08-2015)
    Chuông Giáo Đường (09-08-2015)
    Nơi có những cây tùng xanh biếc (06-08-2015)
    Bên Ni Bờ Thương Nhớ (27-07-2015)
    Vạt nắng còn lại (19-07-2015)
    Trơ Trọi (14-07-2015)
    Người Mẹ Không Con (08-07-2015)
    Nỗi Lặng Yên (30-06-2015)
    Màu Thời Gian (22-06-2015)
    Mưa hạ (08-06-2015)
    Năm đại gia bất động sản và vợ chồng ngư phủ cùng ba điều ước (05-06-2015)
    Tội đồ trong kinh thánh? (30-05-2015)
    Mẹ (25-05-2015)
    Sài Gòn Giữa Cơn Mưa (14-04-2015)
    Nỗi Lặng Yên (28-03-2015)
    Răng Chừ Mưa Rơi Lại Buồn (16-03-2015)
    Tìm lại (08-03-2015)
    Một Cõi Đi Về (24-02-2015)
 
"Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam".

Chuyển Tiếng Việt


    Truyện Ngắn
Xa Xóm Mũi


   Sự Kiện

Lời Di Chúc của Vua Trần Nhân Tôn





 

Copyright © 2010 DanQuyen.com - Cơ Quan Ngôn Luận Người Việt Hải Ngoại
Địa Chỉ Liên Lạc Thư Tín:
E-mail: danquyennews@aol.com
Lượt Truy Cập : 152828567.